Không cần luật Công bằng tài chính hay cả thế giới xem nhưng 4 giải đấu hàng đầu của Mỹ vẫn thuộc top 10 giải đấu lớn nhất thế giới nhờ những điểm này

Chính trị - Xã hộiKinh tế

Sự khác biệt của các giải thế thao chuyên nghiệp Mỹ nằm ở 5 điểm sau:

– Hệ thống giải đóng (Closed league) thay vì Hệ thống giải lên – xuống hạng

– Quy định quỹ lương trần của một Câu lạc bộ thay vì Luật công bằng tài chính

– Ngày lễ rút thăm cầu thủ (Draft lottery) thay vì Mùa chuyển nhượng tự do

– Mối quan hệ cộng sinh giữa Ban tổ chức giải và các ông chủ CLB

– Công đoàn cầu thủ và giới chủ trực tiếp thương lượng các vấn đề về tiền lương trong sự minh bạch và dân chủ

BÀI VIẾT CÒN ĐƯỢC ĐĂNG Ở SÚP LƠ DIARY – LOTUS.VN

Trong danh sách 10 giải đấu thể thao có doanh thu lớn nhất thế giới hàng năm, thường xuất hiện những cái tên quen thuộc với giới túc cầu như giải Ngoại hạng Anh (EPL), La Liga Tây Ban Nha, Bundesliga Đức, Seria A Italia, Champion League (C1 Châu Âu), đây cũng là 5 giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh hiện giờ gồm 4 giải quốc gia và 1 giải đấu cúp. Tuy vậy có lẽ bạn không biết rằng, hiện diện trong danh sách top 10 ở trên cũng có tới 4 giải đấu của 4 môn thể thao khác nhau cùng ở Mỹ, không chỉ thế, 2 trong số đó chiếm 2 vị trí đầu tiên và có doanh thu cách biệt với 8/10 giải còn lại. Hai giải đó là giải Bóng bầu dục nhà nghề (NFL) và giải Bóng chày nhà nghề (MLB), 2 giải còn lại trong top 10 là giải Bóng rổ nhà nghề (NBA) và giải Khúc côn cầu trên băng (NHL).

Chỉ một quốc gia nhưng có thể tạo nên 4 giải đấu hàng đầu thế giới, chưa kể 2 trong số đó là giàu nhất, bỏ xa các giải đấu bóng đá vốn mà việc kiếm tiền thường ở quy mô toàn cầu. Bên cạnh việc hưởng lợi từ Mỹ là cường quốc kinh tế số 1 thế giới thì cách tổ chức, vận hành hệ thống thể thao chuyên nghiệp là yếu tố chính khiến cho thể thao chuyên nghiệp Mỹ vượt trội so với phần còn lại của thế giới.

Trước hết, để dễ hiểu hơn thì bài viết liệt kê 4 giải đấu được gọi là Big4 tại Mỹ và vị trí tương ứng của chúng trong top 10 giải đấu lớn nhất thế giới

– #1/10: Giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (National Football League – NFL)

– #2/10: Giải bóng chày nhà nghề Mỹ (Major League Baseball – MLB)

– #4/10: Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (National Basketball Association – NBA)

– #6/10: Giải vô địch quốc gia khúc côn cầu trên băng (National Hockey League – NHL)

Ảnh 2.
Top 10 giải đấu thể thao có doanh thu lớn nhất thế giới mùa giải 2017-2018

Đặc điểm chung của Big4 và cũng là sự khác biệt lớn nhất với 5 giải đấu bóng đá còn lại trong top 10 nằm ở 5 điểm chính yếu sau:

– Hệ thống giải đóng (Closed league) thay vì Hệ thống giải lên – xuống hạng

– Quy định quỹ lương của một Câu lạc bộ thay vì Luật công bằng tài chính

– Ngày lễ rút thăm cầu thủ (Draft lottery) thay vì Mùa chuyển nhượng tự do

– Mối quan hệ cộng sinh giữa Ban tổ chức giải và các ông chủ CLB

– Công đoàn cầu thủ và giới chủ trực tiếp thương lượng các vấn đề về tiền lương trong sự minh bạch và dân chủ

1. Giải đấu đóng (Closed league) là gì?

Người hâm mộ bóng đá có lẽ đã quá quen thuộc với Hệ thống giải lên -xuống hạng ở các nền thể thao lớn trên thế giới, các giải này có đặc điểm là hết một mùa (season) thì sẽ có một số đội có thành tích kém nhất phải xuống chơi ở giải dưới và ngược lại, đội ở giải dưới có thành tích tốt nhất sẽ lên chơi ở giải trên.

Ngược lại với đó là giải kiểu Mỹ, các giải ở Mỹ chỉ có một số lượng đội cố định, không thay đổi qua từng năm, không lên hạng, xuống hạng, các đội hạng dưới thì mãi mãi sẽ chơi ở hạng dưới, đội ở hạng trên thì mãi chơi ở hạng trên. Trừ khi xuất hiện một câu lạc bộ mới gia nhập hoặc giải thể , nhưng rất ít khi xảy ra, và chỉ xảy ra khi đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của liên đoàn thể thao. Lần gần nhất có sự gia tăng số câu lạc bộ là vào năm 1978, còn lần gần nhất một CLB giải thể thậm chí còn lâu hơn, năm 1954.

Ảnh 3.
Thế giới bóng đá vận hành theo hệ thống giải đấu lên – xuống hạng, khác biệt với Big4 của Mỹ

Phương thức thi đấu kiểu Mỹ cũng khác biệt, khi các giải bóng đá có 2 kiểu, một là kiểu đá vòng tròn 2 lượt tính điểm, đội nào cao điểm nhất là vô địch (đá league), hai là kiểu đá loại trực tiếp (đá cúp), còn giải Mỹ là pha trộn giữa kiểu đá league và đá cup kể trên.

Các đội sẽ được chia làm 2 khu vực, thường là theo địa lý, các đội ở bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, mỗi khu vực sẽ có từ 15-16 đội, các đội cũng đá vòng tròn hai hoặc ba lượt theo kiểu đá league để phân chia xếp hạng. Sau đó sẽ chọn khoảng 6-8 đội có xếp hạng tốt nhất từ trên xuống để đá tranh chức vô địch khu vực theo kiểu đá cúp, đội vô địch mỗi khu vực hay còn gọi là Vô địch bờ Đông và Vô địch bờ Tây sẽ gặp nhau vào trận Chung kết cuối mùa giải để xác định đội vô địch toàn nước Mỹ.

Trận chung kết nổi tiếng nhất và cũng là trận đấu có giá trị nhất thế giới chính là Super Bowl – Chung kết bóng bầu dục toàn nước Mỹ, trận đấu này thường được xem là sự kiện tâm điểm không chỉ trong thể thao mà còn là cả nền văn hóa Mỹ khi thu hút khoảng 100 triệu người xem và được xem là ngày quốc lễ của nước này.

Ảnh 4.
Super Bowl, trận chung kết bóng bầu dục toàn quốc là sự kiện văn hóa – thể thao lớn nhất hàng năm của nước Mỹ

2. Quỹ lương của câu lạc bộ và hòn đá tảng mang tính nền móng đảm bảo một giải đấu công bằng

Nếu như ở thế giới bóng đá, Luật công bằng tài chính mới được áp dụng gần đây để ngăn chặn các tỷ phú dầu mỏ dùng tiền lũng đoạn giải đấu bằng cách vung tiền ra mua ngôi sao khắp nơi về để xây dựng “dream team” thì ở chiều hướng ngược lại, Quỹ lương (Salary cap) lại là truyền thống lâu đời của các giải thể thao Mỹ.

Theo đó, hàng năm Ban tổ chức sẽ tính toán và đưa ra mức quỹ lương cho các câu lạc bộ, ví dụ mùa giải 2019-2020 thì quỹ lương mỗi đội bóng chày là 206 triệu USD, bóng bầu dục là 188.2 triệu USD, bóng rổ là 109.140 triệu USD, khúc côn cầu trên băng là 79.5 triệu USD, nếu vượt quá số này thì đội bóng sẽ bị đánh thuế vượt khung (Luxury tax), sau đó chính số tiền thuế này lại được phân chia giữa BTC và các đội còn lại. 

Mức thuế vượt khung thì không hề dễ chịu chút nào, ví dụ ở giải NBA thuế suất tăng dần từ 175% lên đến 375% tính trên số tiền vượt quá, và không có mức tối đa vì khi vượt quá mốc 20 triệu USD thì cứ mỗi 5 triệu USD tăng thêm sẽ khiến thuế suất bị cộng thêm 50%. Chưa kể, nếu năm sau còn tái diễn việc chi vượt quá quỹ lương thì mức thuế phạt sẽ tăng thêm 100%, tức là giả sử mức thuế năm thứ nhất là 175%, thì năm thứ 2 sẽ là 275%.

Ảnh 4.
Quỹ lương là quy định đặc thù ở các giải đấu thể thao tại Mỹ mà thế giới nên học theo

Để dễ hình dung, quỹ lương mùa giải bóng rổ năm nay là khoảng 110 triệu, nếu một CLB có tổng quỹ lương là 130 triệu (vượt 20 triệu) thì họ sẽ phải đóng số thuế là: 20 triệu * 375% = 70 triệu USD. Nếu tình trạng vượt khung còn tiếp tục vào năm sau thì số thuế phải đóng sẽ tăng gấp đôi, là 140 triệu USD.

Thường các CLB ký hợp đồng dài hạn với cầu thủ từ 2 đến 3 năm, do đó tình trạng vượt khung sẽ kéo dài trong từng đó năm, nếu không tìm cách bán bớt cầu thủ để giải phóng quỹ lương, không sớm thì muộn đội bóng đó cũng khánh kiệt vì nộp phạt. Kể cả với mức phạt này thì e là các tỷ phú dầu mỏ cũng không kham nổi, chưa kể số tiền phạt này các đội còn lại được chia nhau, chẳng khác một ông nuôi báo cô cả làng.

Ở chiều ngược lại, nếu một đội bóng có quỹ lương dưới 80% quỹ lương chuẩn thì cũng sẽ bị phạt, điều này ngăn chặn một đội bóng có một ông chủ quá keo kiệt và bủn xỉn khi trả lương cho cầu thủ.

* Chú ý: Công thức tính thực tế theo mức lũy kế từng phần và phức tạp hơn, trong ví dụ là cách tính đơn giản hóa đễ độc giả dễ tiếp cận.

Ảnh 5.
Giải vô địch quốc gia Pháp Ligue 1 đang bị tiền của các tỷ phú dầu mỏ lũng đoạn khi PSG vô địch 6/10 mùa giải gần đây nhất

Tuy nhiên, quy định cũng chỉ là quy định nếu không được thực thi tốt, ví dụ như cách mà các đại gia PSG, ManC đang múa may trước mặt UEFA nhưng họ vẫn thoát án phạt. Nói vậy để thấy, quy định dù hay mà bộ máy hành pháp không nghiêm túc thì vẫn có kẽ hở, nói về điều này thì các giải đấu ở Mỹ thực hiện hết sức nghiêm túc. Chưa kể bản thân các cầu thủ cũng có mức lương trần dựa trên sự tỏa sáng của cá nhân anh ta, sự thể hiện của một cầu thủ đều được đánh giá chi tiết qua các chỉ số thống kê phức tạp vốn rất nổi tiếng của thể thao Mỹ mà bây giờ một số CLB bóng đá mới manh nha học theo.

Quy định về quỹ lương này được xem như hòn đá tảng đặt nền móng cho cả một giải đấu, đảm bảo sức mạnh đồng đều giữa các đội bóng, đội bóng nào cũng có cơ hội cạnh tranh chức vô địch hay có thể quật ngã kẻ đang đứng đầu bảng xếp hạng, tránh được sự lũng đoạn của các tỷ phú, nên nhớ rằng đất nước có nhiều tỷ phú không đâu nhiều hơn Mỹ, và tuy chủ sở hữu các CLB thể thao ở Mỹ có kha khá người là tỷ phú đô la, tuy nhiên giải đấu vẫn vận hành theo cách riêng của nó chứ không méo mó biến dạng như cách PSG đã làm với Ligue 1.

Ảnh 6.
Quy định về Quỹ lương của CLB được xem là hòn đá tảng đặt nền móng cho một giải đấu công bằng

Thống kê cho thấy, trong 30 năm qua, 18/30 đội bóng chày đã vô địch toàn nước Mỹ, đây cũng là giải đấu có số đội vô địch nhiều nhất, con số tương ứng ở các giải khác là 14/32 đội bóng bầu dục; 13/31 đội bóng khúc côn cầu trên băng; 10/30 đội bóng rổ. So sánh với con số 8 đội vô địch trong 30 năm qua của Ngoại hạng Anh – giải bóng đá cạnh tranh nhất thế giới, 7 đội vô địch của Seris A hay 5 đội vô địch của La Liga, để thấy sự kém cạnh tranh của thế giới bóng đá so với Big4 Mỹ.

3. Ngày Draft day và những viên gạch xây nên sự hấp dẫn cho một giải đấu tỷ đô

Không giống việc chuyển nhượng tự do ở thế giới bóng đá, khi các CLB và cầu thủ có thể tự do mua bán với nhau bằng tiền mặt, riêng các giải Big4 tại Mỹ, hàng năm đều có một ngày gọi chung là Draft Lottery (Rút thăm cầu thủ). Tại đây, tất cả các cầu thủ tự do, hoặc các cầu thủ thi đấu nổi bật ở các giải hạng dưới, hoặc các cầu thủ tiềm năng mà các tuyển trạch viên tìm về, hoặc các cầu thủ ngoại quốc muốn đi đấu ở Mỹ, đều phải nộp đơn đăng ký với BTC giải, đồng thời phải trải qua những ngày bị đánh giá chặt chẽ. Sau quá trình đó, một bản danh sách xếp hạng các cầu thủ theo thứ tự được công khai để cho các CLB lựa chọn, các vị trí ở trên đầu là những cầu thủ tốt nhất, giảm dần khi xuống dưới.

Ảnh 7.
Các cầu thủ được lựa chọn (draft) trong kỳ Draft day 2017 của giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ NFL

Thứ tự lựa chọn của các CLB cũng bị xếp hạng, theo đó các đội có thành tích kém nhất mùa trước, tức là không được vào vòng đấu cúp, được sắp xếp ngẫu nhiên để lựa chọn cầu thủ trước, tiếp theo sau là đến lượt các đội vào được vòng đấu cúp, tuần tự như vậy cho đến đội được chọn cuối cùng sẽ là đội vô địch năm trước, sau đó lại xoay vòng lựa chọn nếu vẫn còn cầu thủ để rút thăm. 

Điều này đảm bảo cân bằng sức mạnh giữa các đội bóng, các đội yếu sẽ được chọn những tân binh chất lượng, một đội bóng sẽ không mãi ngụp lặn ở cuối bảng xếp hạng được, cũng như sức mạnh của các đội sẽ luôn luôn ở mức sàn sàn như nhau. Điều này tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt của giải đấu cũng như những trận đấu căng thẳng đến nẩy lửa. Chẳng phải giải Ngoại hạng Anh hấp dẫn nhất thế giới vì tính khó đoán của nó hay sao, nơi mà một đội trong Top4 cũng có thể bị ngã ngựa bởi những chú ngựa ô, vậy thì các giải đấu của Mỹ cũng vậy.

Số lượng cầu thủ được xuất hiện trong Draft lottery tùy thuộc vào từng giải đấu, số lượng cũng rất đa dạng, từ 60 cầu thủ tại NBA Draft (Giải bóng rổ nhà nghề) cho tới hơn 1200 cầu thủ tại MLB Draft (Giải bóng chày nhà nghề).

Ảnh 8.
Draft day của giải bóng chày nhà nghề Mỹ luôn nổi tiếng vì số lượng cầu thủ tham gia rất đông, có thể lên tới hàng nghìn VĐV.

Đa số các cầu thủ tham gia các kỳ Draft hàng năm đều là học sinh, sinh viên, hoặc mới thi đấu tự do 2-3 năm, đó là vì thể thao học đường ở Mỹ cực kỳ mạnh, giúp đào tạo một nguồn vận động viên vô tận cho thể thao chuyên nghiệp. Cũng vì thế mà các CLB ở Mỹ đa số đều không đặt nặng vấn đề đào tạo trẻ mà chủ yếu tập trung vào chuyên môn cho đội hình chính. Đây cũng là điều đặc biệt khi so sánh với thế giới bóng đá khi các CLB hàng đầu thường có riêng một hệ thống tuyển trạch và đào tạo riêng.

Michael Jordan, biểu tượng bóng rổ vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ và lan tỏa sang các môn thể thao khác từng được xếp hạng #3 trong kỳ NBA Draft năm 1984; hay siêu sao bóng rổ người Trung Quốc Yao Minh, biểu tượng chế meme một thời, được xếp hạng #1 trong kỳ NBA Draft năm 2002 sau khi đồng ý chuyển từ Trung Quốc tới Mỹ… Có thể nói, tất cả những ngôi sao chơi tại Big4 đều từng bước qua cánh cửa Draft lottery để tiến tới sân chơi chuyên nghiệp lần đầu tiên trong nghiệp cầu thủ của họ.

Đương nhiên, Draft Lottery không phải là con đường duy nhất để các đội bổ sung đội hình, các CLB còn được phép Trade (trao đổi) cầu thủ với nhau, tuy vậy, các đội không được phép cáp tiền để mua một cầu thủ của đội khác mà phải trao đổi cầu thủ-đổi-cầu thủ, 1 có thể đổi 1 hoặc 2 hoặc bao nhiêu cũng được, miễn không phải là tiền. Một số giải có cho phép tiền mặt tuy nhiên số tiền chỉ là vài triệu đô và không có quá nhiều ý nghĩa.

4. Mối quan hệ cộng sinh giữa Ban tổ chức giải và các ông chủ CLB

Một yếu tố cần nhắc đến là quyền sở hữu các CLB ở Big4 Mỹ không giống hoàn toàn với bóng đá, nếu ở thế giới túc cầu, ông chủ CLB đúng nghĩa là ông chủ doanh nghiệp, lời ăn lỗ chịu một mình thì ở Big4, quyền sở hữu các CLB thuộc về BTC giải, các ông chủ CLB đóng vai trò như nhà đầu tư cùng kiếm tiền với BTC. 

Điều này khá giống với mô hình Nhượng quyền kinh doanh (Franchise), ví dụ: Jollibee là chủ sở hữu của thương hiệu Highland, các nhà đầu tư muốn sở hữu một điểm bán Highland sẽ phải đóng phí nhượng quyền, đầu tư điểm bán và chịu sự quản lý của Jollibee, cái nhà đầu tư nhận được là lợi nhuận sau khi chia sẻ với Jollibee, trong ví dụ này thì Jollibee chính là BTC giải, các điểm bán Highland là các đội bóng còn các nhà đầu tư là các ông chủ CLB.

Ảnh 9.
Cả giải đấu, từ BTC giải, ông chủ CLB đến cầu thủ đều cố gắng xây dựng thương hiệu giải đấu ngày càng đi lên, qua đó kiếm được ngày càng nhiều tiền hơn trong mối quan hệ win – win, tất cả đều thắng.

Vì lẽ thế mà mối quan hệ giữa BTC giải và giới chủ mang tính gắn kết hơn hẳn thế giới bóng đá, khi tất cả cùng hướng tới mục đích chung là nâng tầng thương hiệu cũng như chất lượng của giải đấu qua đó phục vụ mục tiêu quan trọng nhất: kiếm được nhiều tiền hơn nữa, chứ không phải sống phụ thuộc vào túi tiền của ông chủ, đó không phải là cách hệ thống hoạt động bền vững tại Mỹ.

5. Công đoàn cầu thủ và giới chủ, khi sự minh bạch và dân chủ lên ngôi

Bài viết ở trên đã nhắc đến khái niệm quỹ lương của một CLB, con số này được BTC tính toán dựa theo thu nhập của cả giải đấu cũng như tình hình thu nhập của các cầu thủ, việc này giúp loại bỏ được sự ảnh hưởng của việc chi tiêu vô tội vạ từ các tỷ phú muốn ăn xổi, khi đạt được mục tiêu đó thì đến lượt bản chất của các ông chủ thực dụng nổi lên – họ luôn muốn hạn chế chi tiêu để giảm bớt chi phí vận hành và kiếm nhiều tiền nhất có thể.

Ngược lại, các cầu thủ, nhất là những ngôi sao của giải đấu luôn đòi hỏi được hưởng mức thu nhập xứng đáng với những gì họ mang về, đơn giản vì họ biết các khoản thu nhập của giải đấu, vốn luôn được công khai cho công đoàn.

Do đó, chủ đề quỹ lương của CLB và mức lương trần của cầu thủ luôn là vấn đề nóng bỏng giữa cầu thủ và giới chủ mà BTC giải sẽ đứng giữa với vai trò là người điều tiết. Điều rất hay là ở Big4 các bên luôn có đại diện đấu tranh cho quyền lợi của mình mà sự kiện tiêu biểu là cuộc họp hàng năm giữa công đoàn cầu thủ và giới chủ cùng BTC.

Có lẽ không ở đâu, vai trò của công đoàn (nghiệp đoàn) lại nổi trội và có vai trò mạnh mẽ như ở Mỹ (dù họ không phải là nước XHCN), trong cuộc họp hàng năm này luôn khá căng thẳng khi 2 thái cực tìm đến với nhau, không chỉ là quỹ lương và mức lương trần mà còn là một loạt các vấn đề khác đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ vì người lao động vốn là bên yếu thế hơn trong mối quan hệ với giới chủ.

Ảnh 10.
Cuộc đấu trí căng thẳng giữa BTC giải bóng chày nhà nghề Mỹ MLB với Công đoàn cầu thủ vào năm 2016 đã suýt khiến mùa giải mới phải hoãn lại vì mâu thuẫn không giải quyết được về tiền lương.

Cuộc họp thường niên này thường sẽ là màn đấu trí căng thẳng giữa hai bên, tất cả các khoản thu nhập mà giải đấu dự kiến kiếm được sẽ được công khai và tính toán trước, những nguồn thu nhập này bao gồm:

– Tiền bản quyền truyền hình: thường được xác định trước qua nhiều năm thông qua các hợp đồng với các đài truyền hình

– Tiền bản quyền khác có liên quan như hình ảnh thương hiệu, tên đội bóng, tên cầu thủ, logo đội bóng, tranh, phim ảnh, game điện tử ….

– Tiền tài trợ, tiền quảng cáo của các thương hiệu

– Tiền bán vé tại sân vận động

– Tiền bán các hàng hóa có liên quan như áo đấu, vật phẩm, quà tặng…

Có thể thấy, gần như tất cả các khoản thu nhập có thể có đều được tính đến, sau khi xác định được số tiền này thì hai bên cùng xác định xem bao nhiêu phần trăm doanh thu sẽ chuyển thành Quỹ lương cho các cầu thủ, số còn lại một phần là để trả nợ xây dựng sân vận động, một phần chi trả chi phí hoạt động của giải và các CLB, phần cuối là lợi nhuận cho giới chủ.

Thường tỷ lệ chuyển thành quỹ lương cho các cầu thủ dao động từ 40-60% doanh thu, các cuộc họp căng thẳng cũng chủ yếu xoay quanh con số này, giới chủ luôn muốn ép về con số nhỏ nhất còn công đoàn thì luôn muốn đẩy lên tối đa. Quá trình đàm phán có thể kéo dài hàng tháng trời cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận, vì thế cuộc họp này thường được tổ chức sau khi mùa giải cũ đã kết thúc. Một số giải họp và xác định Quỹ lương hàng năm, một số thì theo định kỳ vài năm một lần.

Ảnh 11.
Dù các giải đấu đa phần chỉ có người Mỹ xem nhưng họ vẫn chiếm 5/10 vị trí vận động viên thể thao kiếm được nhiều tiền nhất thế giới .

Sau khi tất cả đã thống nhất thì về quỹ lương và các vấn đề quyền lợi khác của cầu thủ thì tất cả sẽ được ghi lại vào Thỏa ước lao động tập thể (Collective Bargaining Agreement – CBA) và cùng tuân thủ. Một khái niệm có lẽ người Việt nam rất quen thuộc khi tiếp xúc với công đoàn nhưng chưa bao giờ thấy ứng dụng thực tế của nó rõ như của Big4 Mỹ.

6. Chuyện bên lề: một số điều thú vị

– CEO Steve Ballmer nổi tiếng của Microsoft là chủ sở hữu của CLB bóng rổ Los Angeles Clippers, đội bóng của ông chủ có tài sản lên tới hơn 40 tỷ đô này chưa từng một lần vô địch NBA, thành tích cao nhất của Clippers là hạng 3 bờ Tây.

Ảnh 13.
Steve Ballmer – tỷ phú sở hữu khối tài sản lên tới hơn 40 tỷ USD nhưng chưa từng được ăn mừng chức vô địch bóng rổ nào cùng với đội bóng của ông

– Trong thỏa thuận ký với ban tổ chức Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) khi mới chuyển đến đây năm 2007, David Beckham được quyền mua một suất mới tham dự giải  bóng đá nhà nghề Mỹ MLS (không nằm trong Big4) với mức giá ưu đãi, chỉ 25 triệu USD so với mức phí gốc là 125 triệu USD, đội bóng mới mà Beckham sở hữu tên là Inter Miami, đồng sở hữu với Beck còn là cái tên nổi tiếng khác, tỷ phú công nghệ người Nhật Masayoshi Son. Đội bóng này sẽ tham dự MLS vào năm 2020.

– Tùy vào số năm thi đấu ở NBA 6 – 9 – 10 năm mà cầu thủ được hưởng mức lương tính theo quỹ lương của CLB, lần lượt là 25% – 30% – 35%. Tức là một ngôi sao có thâm niên có thể chiếm đến 1/3 quỹ lương cả đội, đảm bảo cho các cầu thủ đẳng cấp có thu nhập không thua kém đồng nghiệp ở các môn khác.

– Một cầu thủ thi đấu 8 năm trở lên ở NBA và 4 năm cho 1 CLB (không cần liên tiếp) thì có quyền đưa điều khoản “Không cho phép trao đổi” vào hợp đồng, nghĩa là CLB muốn giao dịch anh ta với đội khác thì phải hỏi ý kiến của họ.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x