Bài viết còn được đăng tại Súp Lơ Lovelock
Khẩu trang và giá khẩu trang là câu chuyện nóng những ngày gần đây ở Việt Nam, câu chuyện các nhà thuốc đầu cơ, thổi giá còn chính phủ thì quản lý chặt việc tăng giá trở thành hai thái cực không chỉ trong thị trường khẩu trang mà còn trong lúc trà dư tửu hậu của dân chúng.
Việc nên kiểm soát giá bán khẩu trang như cách chính phủ đang làm là tranh cãi không có hồi kết không chỉ ở hiện tại, mà đây còn là bài học chung trải dài trong lịch sử cận đại khiến nhiều chính phủ đau đầu.
Nhu cầu đột biến khi thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn xảy ra
Cuộc sống nếu êm đềm trôi qua thì mọi điều vốn quá tốt đẹp, tuy nhiên đời không như ý, có đôi lúc thảm họa xảy ra như thiên tai (bão gió, lốc xoáy, hạn hán…), dịch bệnh (Corona virus, cúm Tây Ban Nha…) hay hỏa hoạn thì những nhân tố bất khả kháng này khiến xã hội bị đẩy vào tình trạng cực đoan, tâm lý dân chúng bất ổn, nhu cầu một số mặt hàng tăng cao đột biến , tâm lý đầu cơ, găm hàng lan tràn… Những lúc này, tiếng nói của dân chúng đều yêu cầu chính phủ thực hiện vai trò của mình, vì chính quyền vốn được sinh ra để làm những việc này.
Tuy nhiên, bàn tay của chính phủ nên can thiệp đến mức nào, liệu có cần như cách Việt Nam và Hàn Quốc đang làm mới là câu chuyện cần bàn tới?
Khi chính phủ trực tiếp điều tiết giá
Ví dụ gần đây khi bàn tay của chính phủ trực tiếp can thiệp vào cung cầu thị trường khẩu trang là Việt Nam và Hàn Quốc.
- Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tuyên bố các cửa hàng không niêm yết và tăng giá bán khẩu trang sẽ bị phạt nghiêm. Với tuyên bố này của phó thủ tướng cùng phong trào đấu tố các cửa hiệu thì lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã vào các kho hàng của các hiệu thuốc và đưa hàng ra bán dù không được sự không đồng ý của chủ hiệu thuốc.
- Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính cho biết người thực hiện hành vi tích trữ nhằm đầu cơ khẩu trang sẽ phải đối mặt với án tù tối đa hai năm hoặc bị phạt tối đa 50 triệu won, khoảng 42.108 USD. Số lượng hàng trong kho bị khống chế ở mức 1.5 lần bình thường.
https://tuoitre.vn/han-quoc-phat-nang-viec-dau-co-khau-trang-phong-benh-20200204213631473.htm
Lý do để 2 chính phủ làm việc này thì rất rõ ràng, chống đầu cơ, găm hàng, đảm bảo giá khẩu trang không bị tăng vọt lên và để người dân đều có thể mua được khẩu trang. Ngoài ra còn một lý do quan trọng hơn cả là tạo tâm lý ổn định trong dân chúng, đặc biệt ở những quốc gia châu Á khi “Đại cục” luôn được đặt lên trên lợi ích cá nhân, điều vốn không quen thuộc với các nước phương Tây.
Tuy vậy, lợi ích của sự can thiệp từ chính quyền mới nhìn thì trực quan và trực tiếp, tuy nhiên mặt trái đằng sau đó thì không phải ai cũng nhìn ra được, đặc biệt dưới sự phân tích của các nhà kinh tế học.
Thị trường vận động như một dòng chảy, vai trò của chính quyền chỉ dừng ở mức nắn dòng chảy đó để phục vụ lợi ích của người dân chứ không phải là can thiệp trực tiếp bằng cách chặn dòng, đắp đập…, khi đó thị trường sẽ phản ứng lại với mức độ tương ứng mức độ can thiệp của chính phủ.
Hậu quả nhãn tiền đầu tiên sau hành động Quản lý thị trường xông vào kho các nhà thuốc lấy hàng ra bán giá rẻ cho người dân hay phạt các hiệu thuốc tăng giá bán là ngay hôm sau, các nhà thuốc đồng loạt treo biển không bán khẩu trang. Nguồn cung lập tức bị hạn chế, nếu không muốn nói là nhỏ giọt sau hành động đó, vì người bán tốn nhiều chi phí để huy động hàng mà lại đối diện với nguy cơ bán lỗ, bị phạt, bị tịch thu giấy phép thì đây là điều không ai mong muốn.
Hậu quả thứ hai, do ép giá khẩu trang xuống thấp nên trong tạo ra nhu cầu tích trữ khẩu trang trong tâm lý người mua, dù cung đang hạn chế và cầu thì tăng cao nhưng giá lại rất rẻ, vì thế ai cũng muốn mua thêm để tích trữ, điều này vô tình biến họ thành những kẻ đầu cơ và tạo nên trình trạng khan hiếm hàng hóa. Dù mấy ngày sau, các cửa hiệu đều ra quy định giới hạn số lượng hàng bán cho một người, nhưng đây là biện pháp chữa cháy khi số lượng khẩu trang đã sụt giảm không phanh.
Nếu giá khẩu trang cao đúng như nhu cầu mua nó thì rào cản tự nhiên về giá sẽ làm người mua chùn tay khi có ý định tích trữ số lượng lớn.
Như vậy, vô hình chung hành động của tầng lớp đại diện cho pháp luật ở trên đã thể hiện sự can thiệp trắng trợn vào cung cầu thị trường mà người chịu hậu quả chính là người muốn mua khẩu trang. Một ngày ép buộc đem khẩu trang ra bán với giá rẻ đánh đổi lại là những ngày dài không có khẩu trang bán ra hoặc bán với mức độ nhỏ giọt.
Để thị trường tự quyết mới là cách đem khẩu trang đến với nhiều người nhất có thể
Trừ trường hợp mà các lực lượng trong thị trường tê liệt hoàn toàn như cầu đường, liên lạc, viễn thông bị cắt đứt thì khả năng điều tiết của thị trường mới thất bại, còn nếu vẫn chưa đến mức đó thì để thị trường tự vận động điều tiết cung cầu dưới sự giám sát, hướng dẫn của chính phủ là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Quay lại bài toán khẩu trang tại Việt Nam, rõ ràng khi thông tin dịch bùng lên ở Trung quốc thì nhu cầu khẩu trang trong nước tăng vọt, nhu cầu này có thể x2 x3, thậm chí x5 x10 so với bình thường khi nhà nhà đều muốn mua, chắc chắn số lượng khẩu trang hiện có trên thị trường không thể nào đáp ứng được khi nhu cầu tăng đột biến như vậy.
Do đó, giá tăng vọt lên trong thời gian ngắn là điều hoàn toàn tự nhiên, khi này thị trường sẽ lọc ra những người có nhu cầu cấp bách và đặc biệt có tiền thì họ sẽ là lớp khách hàng chấp nhận mức giá cao này. Những khách hàng bình dân sẽ chưa thể mua được hoặc mua với số lượng ít trong đợt đầu này, nhưng vấn đề quan trọng là giá cao sẽ kích thích thị trường tăng cung, khi có lãi cao thì mới có người chấp nhận huy động hàng trong thời gian ngắn để bán ra kiếm lời. Để sau đó, cung tăng lên thì giá mới hạ nhiệt dần, đủ cho những người nghèo hơn có thể mua được nhiều hơn.
Chúng ta thử ngẫm lại một chút, đang ngay trong dịp Tết, nhân công thì ít, các cty cũng nghỉ nhiều, nếu huy động người và xe cộ để nhập khẩu trang từ Trung quốc hoặc nơi khác về thì chi phí bỏ ra sẽ tăng x2 x3, vì lương nhân viên đi làm ngày Tết phải trả 300% so với ngày thường, chi phí vận chuyển cũng tương tự, thậm chí nếu cần ngay trong thời gian ngắn thì có thể x4 x5 là bình thường.
Vậy thì khi chi phí bỏ ra lớn, giá cả bán ra cũng không thể rẻ được, người bán bắt buộc phải tăng giá bán để bù đắp lại công sức của họ. Lãi càng cao thì càng thu hút được nhiều người đi tìm nguồn cung khẩu trang, và tăng cung mới là bài toán mà chính phủ cần giải và cần khuyến khích chứ không phải là áp giá bán, khi cung tăng lên thì người dân mới có khẩu trang để dùng. Đây là bài học không dễ học của rất nhiều chính quyền trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
Điều mà chính phủ cần phải làm là gì?
Khi chính phủ không tuân theo quy luật thị trường mà tìm cách áp giá bán ra, đương nhiên các nhà phân phối, các nhà thuốc sẽ bị lỗ, khi đó họ sẽ không còn động lực để tăng cung khẩu trang nữa. Nguồn cung lúc này chỉ tăng dựa trên ý chí của chính quyền bằng cách huy động các doanh nghiệp nhà nước, các nguồn lực công cộng.
Bài học tới liền khi kể từ sau đó, khẩu trang trên thị trường luôn là mặt hàng khan hiếm, một vài nơi bán ra lẻ tẻ với số lượng hạn chế. Cuối cùng là kết quả fail – fail cho cả người bán và người mua.Tất nhiên, thị trường cũng có lúc thất bại nếu để tình trạng đầu cơ xảy ra khi các thương nhân bất lương tìm cách găm hàng, đẩy giá lên cao, và đây cũng không phải là điều hiếm thấy trong lịch sử.
Tuy nhiên đây mới là lúc vai trò của chính quyền thể hiện bằng nhiều động tác vừa để diệt đầu cơ, vừa nhằm tăng cung như:
- Tính toán cẩn thận các chi phí tăng lên khi cần lượng lớn khẩu trang cung ra thị trường, đặt ra mức giá trần cho khẩu trang nhằm diệt đầu cơ, mức giá này có thể x2 x3 so với giá bình thường vì đáng lý nó phải thế, tuy nhiên cần đặt trần, ví dụ là x5 để chặn việc găm hàng, đẩy giá. Lúc này việc của lực lượng Quản lý thị trường là kiểm soát giá cả thật chặt chứ không phải là nhảy vào kho của nhà thuốc để lấy hàng ra bán với giá rẻ.
- Trong trường hợp khối lượng khẩu trang cần lớn trong thời gian quá ngắn, buộc các nhà máy phải dồn nguồn lực lớn để sản xuất kéo theo chi phí bị đẩy lên quá cao, ví dụ là x10 bình thường thì chính quyền phải sử dụng đến sức mạnh tài chính của mình, họ có thể đặt hàng trợ giá các nhà máy sản xuất nhằm mục đích hạ nhiệt giá khẩu trang xuống dưới x10 khi bán ra thị trường.
- Tích cực tuyên truyền thông tin, thông thoáng giao thông để tạo ra sự lưu thông thông tin và hàng hóa nhằm ngăn chặn việc trục lợi, khi thị trường bị tắc nghẽn và người mua bị quấy nhiễu bởi thông tin sai thì đó là là thời cơ cho các đối tượng trục lợi xuất hiện.
Có thể thấy, một loạt những hành động cần thiết này có độ khó cao hơn nhiều so với việc xông vào kho thuốc lấy hàng ra bán, hành động đó chỉ nhằm thỏa mãn tâm lý cay cú của đám đông nhưng hậu quả sau đó thì tất cả phải gánh chịu, đó không phải là quyết định khôn ngoan nhất nhưng lại ít bị chửi nhất ở xã hội Á Đông hiện tại.