Cái giá phải trả của các loại thuế để “bảo vệ sức khỏe” như thuốc lá không hiệu quả như chúng ta tưởng

Chính trị - Xã hội

The Economist

– Các quốc gia có xu thế áp các loại thuế đường, chất béo và các chất gây hại cho sức khỏe khác nhằm hạn chế nhu cầu tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

– Sự sụt giảm nhu cầu sau khi bị áp thuế là có xảy ra, tuy nhiên xét trên bình diện toàn xã hội chưa chắc đã hiệu quả.

– Tranh luận vẫn chưa rõ ràng và cuộc chiến giữa các nhà làm chính sách và các công ty bia rượu, đồ uống có đường vẫn đang tiếp diễn.

13-price-of-vice-1

Thuốc lá lần đầu tiên xuất hiện ở Anh quốc vào thế kỷ 17, tuy nhiên sau đó nó bị chỉ trích rất nhiều. Vị vua nổi tiếng nhất nước Anh, Jame đệ nhất, đã chỉ trích thuốc lá vào năm 1604 như sau: Thuốc lá là sự lo lắng cho đôi mắt, hận thù đối với mũi, có hại cho bộ não, nguy hiểm cho lá phổi, và làn khói lơ lửng hôi thối của nó như là tới từ nơi tối tăm nhất của địa ngục vĩnh cửu”. Sau đó, Vua Jame gọi nó là loài “cỏ dại độc hại” và đánh thuế 4.000% lên thuốc lá.

Trong góc nhìn khác, chính phủ đôi khi gặp phải những nhu cầu tài chính cấp bách và bắt buộc phải đánh thuế lên một số hàng hóa cụ thể. Ví dụ năm 1764, khi tài chính quốc gia cạn kiệt vì chiến tranh ở Bắc Mỹ, Nghị viện Anh quốc đã đánh thuế nhập khẩu lên đường và mật rỉ đường tới từ bên ngoài đế quốc. Trong thực tế, các sắc thuế này có vai trò như là thuế tiêu thụ đánh lên người dân thuộc địa ở châu Mỹ và đe dọa phá sản ngành công nghiệp của họ. Không lâu sau đó, Nghị viện tiếp tục áp dụng một sắc thuế mới lên trà. Người dân thuộc địa châu Mỹ đương nhiên là những người không hài lòng nhất về điều này. (Đây là nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng của người Mỹ bắt đầu với Tea Party – Lơ)

Câu chuyện mới nhất

Sau hơn hai thế kỷ, đánh thuế với đường lại trở lại trên bàn nghị sự của Nghị viện, nhưng lần này là đánh thuế với “tội ác” của đường vì những tác hại xã hội của nó, đồng thời có thể bổ sung nguồn thu cho ngân sách quốc gia để cải thiện sức khỏe cộng đồng. Các nhà kinh tế gọi đây là “Một mũi tên trúng hai đích”, không còn gì dễ quyết định hơn thế.

Giống như thuế với rượu và thuốc lá, vừa tạo thêm khoản thu ngân sách, vừa hạn chế việc hút thuốc và uống rượu bia thì chính phủ hi vọng thuế đường cũng giúp ngăn chặn tình trạng béo phì của người dân. Hungary là nước có tỷ lệ béo phì cao nhất ở châu Âu, nước này đã áp thuế ở mức cao đối với đường và muối vào năm 2011. Pháp cũng làm điều tương tự với đồ uống có đường vào năm 2012. Một số bang ở Mỹ, các nước như Thái Lan, Anh quốc, Ireland, Nam Phi và một số quốc gia khác cũng đã áp thuế lên sản phẩm này.

Các loại thuế này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và giúp thay đổi hành vi của người dân. Thuốc lá và bia rượu là các chất gây nghiện, vì thế nhu cầu của chúng không quá phụ thuộc vào giá cả như nhu cầu cho hàng hóa bình thường khác, chẳng hạn như vé máy bay. Tuy vậy, giá cả vẫn có ảnh hưởng nhất định với các sản phẩm trên, thậm chí còn tác động mạnh hơn các hàng hóa thiết yếu khác cho gia đình. Con số thống kế từ rất nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế đã chỉ ra mức trung bình như sau: khi giá của thuốc lá và rượu bia tăng lên 1% thì sẽ làm giảm doanh thu đi 0.5%.

13-price-of-vice-2

Biểu đồ thể hiện mối liên hệ khi giá các mặt hàng tăng 1% và sự biến động của doanh số tương ứng

Hiệu quả có rõ ràng không?

Mặc dù số liệu về sự hiệu quả của thuế đường là chưa rõ ràng, tuy nhiên các bằng chứng hiện tại cho thấy nhu cầu về đường đã giảm xuống. Vào tháng 3/2015, thành phố Berkeley, bang California áp thuế lên đồ uống có đường ở mức 1 cent/ounce (khoảng 2.950 VNĐ/29 ml), nghiên cứu sau đó của Trường đại học Bắc California và Viện sức khỏe công cộng ở Oakland, Nam California cho thấy doanh số sản phẩm đồ uống có đường trong năm đã giảm 9.6%. Câu chuyện tương tự xảy ra ở Mexico, khi vào tháng 1/2014, nước này cũng áp thuế lên đồ uống có đường ở mức 1 peso/lít (khoảng 1.220 VNĐ/lít), ngay năm đầu tiên mức tiêu thụ sụt giảm 5.5%, sang năm thứ hai Mexico tăng thuế lên 8 cent/lít (23.600 VNĐ/lít) khiến doanh số giảm 9.7% trong năm đó. Trong cả hai trường hợp trên, doanh số của sản phẩm nước uống đóng chai đều tăng khi các sản phẩm đồ uống có ga bị đánh thuế.

Tuy nhiên, loại thuế bảo vệ sức khỏe này là một công cụ chính sách và hiệu quả của nó rất hạn chế. Những người chỉ thỉnh thoảng uống hoặc hút thuốc thì sức khỏe của họ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng họ rất nhạy cảm với giá thì lại bị đánh thuế ngang với những người nghiện rượu và thuốc lá nặng. Một nghiên cứu được công bố năm ngoái của Viện nghiên cứu chính sách (IFS) cho rằng, sẽ có ý nghĩa hơn nếu đánh thuế cao hơn lên các sản phẩm mà người nghiện rượu bia nặng hay sử dụng, ví dụ như các loại rượu mạnh.

Tác hại của bia và rượu thì rõ ràng và có những bằng chứng khoa học về tác hại của chúng. Tuy nhiên, với đồ uống có đường thì không dễ dàng như vậy. Một nghiên cứu khác của IFS cũng chỉ ra, mặc dù thuế đường có làm giảm doanh số của đồ uống có đường nhưng nó chỉ có ảnh hưởng không đáng kể đến thói quen của những người vốn uống nhiều đường nhất. Ví dụ như tại Mexico, thuế đường khiến các hộ nghèo mua ít các sản phẩm là đồ uống có đường hơn, tuy nhiên đối với người giàu thì điều đó là không đáng kể.

Nhà kinh tế John Cawley tại trường Đại học Cornell chỉ ra lỗ hổng tồn tại của các sắc thuế về đường là chúng bị địa phương hóa, tức là có nơi thì đánh thuế, nơi thì không. Như tình trạng xảy ra ở thành phố Berkeley kể trên, sau khi sắc thuế mới có hiệu lực, mặc dù doanh số trong thành phố giảm nhưng ở thành phố bên cạnh, doanh số về đồ uống có đường lại tăng 6.9%. Đan Mạch cũng rơi vào tình huống tương tự khi họ đánh thuế các sản phẩm bơ vào năm 2011, tuy nhiên họ phải hủy bỏ sắc thuế này một năm sau khi phát hiện người dân chuyển sang mua bơ từ các quốc gia láng giềng như Đức và Thụy Điển.

Ngoài ra, tác động tích cực với sức khỏe người dân cũng không rõ ràng, người tiêu dùng vẫn có thể tiếp cận đường từ các nguồn khác. Nhà kinh tế Shu Wen của UNC cũng nghiên cứu cả hai trường hợp ở Berkeley và Mexico, cô cho biết, khi đánh thuế chính quyền hi vọng những người trẻ sẽ thay đổi thói quen ăn uống của họ do tầng lớp này đặc biệt nhạy cảm về giá, qua đó giúp họ hình thành thói quen dùng ít đường hơn khi những người trẻ đó lớn lên.

Tuy vậy, Honathan Gruber, nhà kinh tế học tới từ Viện công nghệ Masachusetts chỉ ra rằng, các loại thuế sức khỏe như đường và chất béo không thể xếp cùng một loại với thuế thuốc lá và rượu bia, vì đường và chất béo là thứ mọi người tiêu dùng trong cuộc sống thường ngày, không như bia rượu, thuốc lá chỉ là hàng hóa phụ. Đồng thời, tác hại của đường, chất béo chỉ xuất hiện khi người ta quá lạm dụng chúng, vì thế nếu có quyền như một vị Vua, Gruber sẽ đánh thuế một cách trực tiếp hơn, chẳng hạn như đánh thuế dựa trên cân nặng của mỗi cá nhân.

Một điểm cần lưu ý khác của các loại thuế bảo vệ sức khỏe là chúng làm cho các sản phẩm không tốt cho sức khỏe đắt hơn một cách tương đối mà không gây ảnh hưởng quá tới người nghèo, tránh việc làm cho họ càng nghèo hơn. Tuy vậy, việc đáng quan tâm là các sắc thuế này hiện tại đang ảnh hưởng tới các hộ nghèo nhiều nhất. Do người nghèo dành một phần thu nhập rất lớn cho nhu cầu thiết yếu là ăn uống, vì thế mà họ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các loại thuế tiêu thụ, như thuế doanh thu ở Mỹ hay thuế GTGT ở EU. Ở đây, thuế bảo vệ sức khỏe càng kém thuyết phục khi người nghèo có xu hướng hút nhiều thuốc hơn, uống nhiều bia rượu và đồ uống có đường hơn. Theo lý thuyết thì thuế sức khỏe sẽ là nguồn thu để bù đắp lại thu nhập cho người nghèo bằng cách trợ cấp trực tiếp hoặc thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo và chương trình công ích khác. Ví dụ như tại Philadelphia, bang này đã dành khoản thu từ thuế súc khỏe cho trường học, công viên và thư viện.

Tác động không thuyết phục

Các tranh luận về hiệu quả của các loại thuế bảo vệ sức khỏe thường có xu hướng làm lu mờ hai mục đích đặc trưng của sắc thuế này. Một là để ngăn ngừa mọi người khỏi thói quen xấu làm ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. Hai là để tài trợ cho những chi phí mà xã hội phải gánh chịu vì những hành vi đó, những nhà kinh tế gọi đó là “ảnh hưởng ngoại lai”, ví dụ cho việc này thật ra không khó để hình dung. Chẳng hạn như một người lái xe mua nhiên liệu như xăng hoặc dầu cho xe ô tô của anh ta thì cả xã hội sẽ phải chịu ảnh hưởng từ khí thải mà chiếc xe thải ra, rõ ràng nếu chúng ta cấm xăng dầu thì đó là điều bất khả thi, vì thế các nhà kinh tế đưa ra gợi ý thay thế là đánh thuế vào độ phác thải khí CO2.

Ý tưởng trên cũng tương tự như ý tưởng đánh thuế vào sản phẩm túi nhựa để chống lại sự ô nhiễm biển ngày càng tăng nhanh. Tại Anh, năm 2015 chính phủ thông qua một sắc thuế mạnh mẽ nhằm yêu cầu các nhà bán lẻ chịu mức thuế lên tới 6.6 cent trên mỗi một túi nhựa được sử dụng (19.500 VNĐ/túi nhựa), ngay lập tức nhu cầu sử dụng túi nhựa tụt giảm 85%. Tuy nhiên điều này lại khiến các nhà môi trường lo ngại khi người tiêu dùng sẽ tìm cách thay thế túi nhựa bằng các sản phẩm thậm chí còn gây hại nhiều hơn. Ví dụ như túi vải bố cotton (cotton tote bags), một sản phẩm gây sốt thời gian gần đây, với sản phẩm này bạn phải tái sử dụng chúng 131 lần thì mới có hiệu quả hơn so với việc dùng túi nhựa.

Về phía những người ủng hộ các sắc thuế bảo vệ sức khỏe, họ cho rằng các sắc thuế này giúp hạn chế các “ảnh hưởng ngoại lai” tác động lên xã hôi, chính phủ có thêm tiền để chăm sóc cho những người bệnh bị ảnh hưởng từ các sản phẩm đó. Tuy nhiên, các chính sách chỉ vẽ ra viễn cảnh trên giấy và có xu hướng đánh giá quá mức chi phí kinh tế của việc hút thuốc hay béo phì. Việc này có thể dễ dàng nhận ra khi, mặc dù chính quyền sẽ mất tiền để chăm sóc cho người bệnh nhưng thực tế những người này thường sẽ mất sớm và giảm các khoản chi mà chính phủ phải trả cho họ, ví dụ như lương hưu.

Thuốc lá, chất béo, đường hay các tác nhân khác thì chi phí kinh tế của mỗi loại là khác nhau vì chúng ảnh hưởng đến xã hội theo những cách khác nhau.

Ví dụ như những người béo phì, hầu hết những người béo phì thường có tuổi thọ khá cao, do đó họ cần chăm sóc nhiều hơn hẳn so với những người bình thường, và sự chăm sóc đó có thể kéo dài hàng thập kỷ, khi đó chi phí cho những người béo phì được lấy trực tiếp từ thuế của người dân.

Trong khi đó, “tác động ngoại lai” từ đồ uống có cồn thì không rõ ràng khi chỉ một phần nhỏ những người uống bia rượu có xu hướng nghiện nặng, điều này khiến chúng ta lầm tưởng rằng chi phí chăm sóc cho họ là không nhiều. Tuy thế, chi phí gián tiếp mà nó gây ra lại không hề nhỏ, thống kê cho thấy bia rượu là nguyên nhân chính trong số 30% các vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng ở Mỹ, ngoài ra bia rượu còn liên quan mật thiết đến tình trạng bạo lực gia đình

Đối với thuốc lá thì lại trái ngược với những người béo phì, khi nó có xu hướng tiết kiện tiền thuế của người dân. Bời vì tuổi thọ của những người hút thuốc thường khá ngắn, thường thì họ sẽ chết trong vòng 10 năm sau khi nghỉ hưu. Thậm chí trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2002 của Kip Viscusi, một nhà kinh tế của trường Đại học Vanderbilt, ông đã thống kê và nhận thấy kể cả nếu thuốc lá không bị đánh thuế thì người Mỹ vẫn sẽ tiết kiệm cho ngân sách trung bình 32 cent trên mỗi bao thuốc mà họ hút.

Viện kinh tế Anh quốc (IEA) trong một sê-ri báo cáo cho chính phủ Anh về chi phí ròng của bia rượu, thuốc lá và béo phì, đã thực hiện thống kê và tính toán. Họ ước tính, sau khi bù trừ giữa tiền thuế thu được, chi phí phúc lợi xã hội phải bỏ ra, chi phí ảnh hưởng từ tội phạm có liên quan, chi phí tiết kiệm được từ người bệnh mất sớm thì thuốc lá và rượu bia tiết kiệm được lần lượt là 14.7 tỷ bảng Anh và 6.5 tỷ bảng Anh cho ngân sách. Với béo phì thì ngược lại, khi tiêu tốn của ngân sách 2.5 tỷ bảng Anh mỗi năm.

13-price-of-vice-3

Biểu đồ thể hiện chi phí ròng của Thuốc lá, Rượu bia và Bệnh béo phì với ngân sách quốc gia

Lập luận của những người ủng hộ các sắc thuế sức khỏe chủ yếu là đánh vào hành vi của cá nhân. Các mô hình kinh tế cho rằng người dân đều biết họ đang làm gì, tuy nhiên họ phải đấu tranh và tự kiểm soát hành vi của họ. Hầu hết những người hút thuốc đều biết tác hại của thuốc lá tuy nhiên đa số họ đều khó có thể bỏ được thuốc, trong tình huống đó, chính sách thuế sẽ giúp họ quyết định. Một khi chúng ta chấp nhận sự bất hợp lý trong quyết định của con người thì việc đánh thuế các chất gây nghiện càng trở nên rõ ràng hơn.

Trong khi đó, ngành công nghiệp đồ uống có ga đang bắt đầu phản công lại. Quận Cook (bao gồm cả thành phố Chicago) đã bãi bỏ thuế đường chỉ sau hai tháng áp dụng khi các nhà bán lẻ phàn nàn vì doanh số của họ bị giảm sút. Tháng sáu mới đây, sau rất nhiều các hoạt động lobby từ các hãng đồ uống, bang California đã thông qua đạo luật cấm áp dụng thuế đường lên các sản phẩm cho đến hết năm 2030.

Tại Mỹ, thống kê cho thấy bệnh tim mạch là nguyên nhân của 1/4 số ca tử vong, còn thuốc lá là nguyên nhân của 1/5 số ca tử vong. Thuế “bảo vệ sức khỏe” có thể giúp mọi người có sức khỏe tốt hơn, tuy nhiên đa số tác động của những người hút thuốc, uống bia rượu và người béo phì là tác động lên chính họ chứ không phải cho những người xung quanh, do đó chính phủ cần cân nhắc thận trọng nếu muốn đưa ra bất kỳ sự can thiệp nào. Hơn nữa, dù cho có phân tích tác động xã hội của những tác nhân trên thì cũng phải lưu ý đến sở thích của người dân, cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn là cố sống cho thật lâu.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x