“Chúng tôi chỉ hi vọng rằng chuyện này sẽ nhanh kết thúc”
Raymond Schexnayder đang kiểm tra trang trại đậu nành của mình
Krista Swanson là thành viên một gia đình có 5 đời làm nông dân, chồng của cô cũng vậy. Họ có ba người con gái và đều mong muốn thế hệ sau của họ, thế hệ thứ sáu, cũng tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, nghề trồng đậu nành và ngô.
Tuy vậy, hiện tại thì hi vọng của họ có vẻ rất khó xảy ra, khi ở ngay trung tâm Illinois, bang thủ phủ đậu nành của Mỹ, từ tháng Ba đến nay người nông dân mất từ 20 đến 25% thu hoạch của họ kể từ lúc Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố áp đặt thuế nhập khẩu lên 60 tỷ USD hàng hóa từ Trung quốc. Và với vị thế của mình, Trung quốc, khách hàng lớn mua đậu nành Mỹ, đã đáp trả Trump với 25% thuế nhập khẩu đánh vào đậu nành nhập khẩu từ Mỹ.
Sau đó vào tháng Năm, Trump tiếp tục với nhiều thuế hơn, lần này là đánh vào hàng hóa từ Canada, Mexico, ngay lập tức Swanso phải chứng kiến giá trị cây trồng của mình giảm mạnh.
Swanson cũng là thành viên của Cục trang trại hạt Knox, cô cho biết: “Giá trị nông sản của tôi mất đi hàng ngày, trong khi tôi vẫn phải mua thức ăn cho gia đình. Ai lại muốn chuyện như thế xảy ra chứ?”
Tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn, Swanson cho biết, vào tháng Ba vừa rồi, thu nhập ròng trung bình của nông dân Illinois ước tính vào khoảng 35.000 USD/năm. Cho đến giờ, tình cảnh của nông dân đang khá “tiêu cực”. (Thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ hiện tại là 57.500 USD/năm – Lơ).
Tuy nhiên, khi được hỏi cô có thất vọng không khi Trump là người đã gây ra cuộc chiến này và có khả năng cao sẽ làm phá sản nông trại của mình. Swanson cho biết, cô không đổ lỗi cho ngài Tổng thống vì những điều này, cô xem những chuyện cô đang phải đối mặt hiện nay cũng giống như khi cô phải đối mặt với những thách thức khác như hạn hán hoặc sâu bệnh.
“Chúng tôi chỉ hi vọng rằng chuyện này sớm kết thúc để mọi người có thể bắt đầu một mùa vụ mới khả quan hơn.”
Những hạt đậu nành này không giữ nguyên được giá trị của chúng như vài tháng trước.
Phóng viên Huffington Post đã tới gặp và phỏng vấn 8 nông trại trong khu vực. Nơi đây vào năm 2016 từng là một trong những khu vực nhiệt tình ủng hộ Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống. Tại đây, chúng tôi đã hỏi người dân về những ảnh hưởng của chính sách thuế quan của chính quyền Trump lên thu nhập của mình. Hầu hết những người được hỏi có chung một câu trả lời: họ sợ sẽ phá sản nếu Trump không giải quyết được vấn đề sớm nhưng cũng không chỉ trích tổng thống vì đã gây ra cuộc chiến đe dọa tới kế sinh nhai của họ.
Chủ tịch Cục nông trại hạt Mercer, Mike Zecher cho biết, ông đã hi vọng có thể thay thế chiếc máy kéo chính của mình cho mùa vụ mới vì nó đã gần 8 tuổi. Tuy nhiên với tình hình thuế quan bất ổn định hiện nay, mọi quyết định đầu tư hoặc thay thế máy móc đều sẽ phải chờ.
Zecher cười buồn: “Anh phải lạc quan vì nếu không lạc quan trong tình hình hiện tại thì anh sẽ phải phát điên lên mất. Còn nếu mà anh thấy buồn bã thì hãy nghĩ về những tháng mà cả trang trại không có cơn mưa nào ấy.”.
Phóng viên Huffington Post nhắc với ông rằng đây là chuyện có thể tránh được, không giống như tình hình thời thiết.
“Đồng ý, tới một mức nào đó thì đúng vậy.”
Jeff Kirwan là một nông dân trồng đậu nành, ông lo lắng về việc Trump gây chiến với Trung quốc sẽ trao cơ hội cho các nước khác, ví dụ như Brazil sẽ nhảy vào và chiếm hết thị phần đậu nành của Mỹ trên thế giới, khi mà những nông dân đã mất hàng thập kỷ để dành được.
Kirwan, thành viên ban điều hành của Cục nông trại Illinois cho biết, “Mỗi một ngày chúng ta không tham gia vào thị trường, sự biến động xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, như ở Nam Mỹ, và người khác sẽ tận dụng sự thiếu vắng của chúng ta.”
Khi được hỏi về việc anh có phản đối chính sách thuế quan hiếu chiến của Trump không, Kirwan lại cho rằng đây là cách mà ngài Tổng cần phải làm để giải quyết tình hình này nhanh hơn nữa.
Anh nhấn mạnh, “Chúng tôi tin tưởng vào lãnh đạo của mình sẽ đưa chúng tôi đi đúng hướng.”
Swanson chỉ cho phóng viên sự ảnh hưởng từ chính sách thuế của Trump tới giá cả của đậu nành và ngô. Chú ý tới thời điểm giá tăng vọt lên khi Trump thông báo về chính sách thuế nhập khẩu mới.
Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã không có động thái nào để kiềm chế các chính sách thương mại của Trump ngoài việc than phiền và tổ chức một cuộc bỏ phiếu hình thức tại Thượng viện. Dưới áp lực phải bảo vệ người nông dân, vào cuối tháng Bảy, chính quyền Trump đã công bố dự thảo gói trợ cấp tài chính cho nông dân trị giá 12 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn chưa ai biết khi nào và bằng cách nào tiền sẽ chuyển đến tay người nông dân, trong khi nông dân thì muốn một chính sách dài hơi hơn việc trả đũa nhau như vậy.
Theo tính toán của Swanson, 12 tỷ USD trợ cấp nếu chia đều thì mỗi nông dân sẽ nhận được ít hơn 6.000 USD mỗi người. “Nên nếu tôi lỗ khoảng 20.000 USD thì 6.000 USD này sẽ giúp được tôi, tuy nhiên nó vẫn không thể giải quyết được vấn đề hiện nay”.
Thật sự kỳ lạ khi nghe những người dân kể lại những khó khăn họ đang đối mặt và xem như đó không phải do Trump gây ra. Bảy mươi lăm phần trăm – 75% – nông dân đã bầu cho Trump vào năm 2016, cho nên có thể hiểu được họ chưa muốn chỉ trích vị tổng thống mà mình và cộng đồng đã ủng hộ.
Giá trị nông sản của tôi mất đi hàng ngày, trong khi tôi vẫn phải mua thức ăn cho gia đình. Ai lại muốn chuyện như thế xảy ra chứ?
Krista Swanson
Tuy vậy, nếu tinh tế, có thể nhận ra được sự không hài lòng của những người nông dân với Trump khi họ chỉ cho phóng viên của HuffPost thấy sự liên quan giữa việc giảm giá với chính sách thuế của Trump.
“Những con số không biết nói dối, Tổng thống Trump đang đưa kế sinh nhai của hàng nghìn nông dân chăm chỉ trên các vùng đất vốn đang hậu thuẫn mạnh mẽ ông ta vào rủi ro”, đây là lời của Cheri Bustos, người phát ngôn của quận nơi những nông dân kể trên đang sinh sống.
Bà cho biết, “Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã hứa rằng ông ta sẽ kết thục cuộc chiến này cho người nông dân Mỹ. Tôi chỉ hi vọng ông ta làm được việc đó ngay bây giờ bời vì chúng tôi đang thấy cuộc chiến ngày càng tệ hơn sau mỗi dòng tweet của ông ta.”
Cựu Chủ tịch Cục trang trại Illinois, Brian Duncan, người đã quan sát và thấy rằng những nông dân sẵn lòng cho Trump thêm thời gian để xử lý tình trạng này, bởi vì ông ta đã thực sự giúp được họ qua việc cải cách (giảm) thuế và bỏ bớt những điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, sự kiên nhẫn nào cũng có hạn.
“Ông ấy tạo ra một vài sự thay đổi tích cực cho nông dân, nhưng giờ ông ta lại thay đổi thuế theo hướng khó hơn. Sự thất vọng đang lớn dần lên, và ngày càng rõ ràng là cuộc chiến này không thể kết thúc trong một sớm một chiều.”
Trong khi đó, Trump vẫn cho rằng thuế quan của ông ta có hiệu quả tốt.
Những khẳng định này không phản ánh đúng thực tế. Theo số liệu gần đây nhất, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng 7% trong tháng 6, và theo con số dự đoán của Duncan về thu nhập ròng cho nông dân ở mức 60 tỷ USD vào năm nay, thì có tới 20 tỷ bị giảm là do chính sách thuế của Trump.
Điều này đã xảy ra với Jerry Link, một nông dân trồng đậu nành và ngô từ những năm 1960.
“Hàng hóa của chúng tôi đang mất giá ngay khi mùa thu hoạch trong tháng tới bắt đầu. Nó đã thành sự thật, sự thật rồi!”
“Anh nghe đâu đó có chuyên gia nói rằng chúng to có kỷ lục xuất khẩu ư? Không hề! Chúng ta mất đi 2 USD mỗi một giạ đậu nành bởi vì xuất khẩu của chúng ta đang giảm”.
Link sống ở Abingdon và là một đảng viên Đảng cộng hòa lâu năm, ông uống cà phê mỗi sáng với một số nông dân rất ủng hộ Đảng Cộng hòa và nói với họ về việc chính sách thuế của Trump sẽ rất tệ cho ngành nông nghiệp.
“Khi chúng ta làm các quốc gia khác khó chịu, họ sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu và thương mại của chúng ta”. Maryanne, vợ của Link đứng cạnh cũng đồng ý, “Tôi rất tức giận với ngài Tổng thống của chúng tôi. Rất giận!”
Khi cuộc phỏng vấn đã kết thúc, Maryanne nói thêm về việc Trump đang ăn mừng chính sách thuế quan của ông ta: “Trump, ông ta thực sự không hề có khái niệm về cách thế giới thực tế hoạt động như thế nào.”