Cùng tìm hiểu về Hệ thống Phúc lợi và An sinh xã hội ở Mỹ. Liệu chúng có miễn phí hay người Mỹ có về hưu năm 60 tuổi như người Việt không?

Chính trị - Xã hội

Đây là bài đầu tiên nằm trong sê-ri bài tìm hiểu về Hệ thống Phúc lợi và An sinh xã hội khá phức tạp của Mỹ, bài viết này chỉ đề cập đến một phần của nó, đó là Hệ thống An sinh xã hội, về Hệ thống Phúc lợi bạn có thể đọc thêm ở bài sau.

Là một người Việt chắc hẳn bạn cũng như tôi đã có lúc tò mò về hệ thống phúc lợi của nước khác sẽ như thế nào? Chẳng hạn như hệ thống lương hưu của họ, có giống với hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc ở Việt Nam không? Có bê bối như thế không hay tiến bộ hơn? Hay nghe nói các nước Tây Âu phúc lợi rất tốt, về già lương hưu đủ đi du lịch khắp năm châu, vào viện thì được chăm sóc tận răng và miễn phí…. Và còn rất nhiều câu hỏi khác.

Trong sê-ri bài này, tôi sẽ trình bày những gì tôi đã tìm hiểu được về Hệ thống Phúc lợi và An sinh xã hội của Mỹ, cường quốc số 1 thế giới hiện giờ, và trả lời những câu hỏi  ở trên.

Giới thiệu về Hệ thống Phúc lợi và An sinh xã hội ở Mỹ

Phúc lợi với An sinh là gì?

Thực ra hai cách gọi Phúc lợi xã hội và An sinh xã hội khá là phức tạp và gây khó hiểu với người đọc, vì thế trước khi đi sâu vào tôi sẽ giải thích và quy ước ngắn gọn hai khái niệm này trước:

– An sinh xã hội: hiểu là hệ thống bảo hiểm thu nhập cho người dân trước những biến cố như tuổi già, bệnh tật, tai nạn…., người dân muốn được hưởng các khoản trợ cấp này thì  phải tham gia vào hệ thống An sinh xã hội của nhà nước, nói đơn giản là phải đóng thuế. Ở Mỹ, hệ thống này bao gồm hai loại chính là Bảo hiểm xã hội (Social Securtiy) và Bảo hiểm Y tế (Medicare), còn loại thứ ba là Bảo hiểm thất nghiệp chính quyền liên bang chỉ đưa ra bộ khung hướng dẫn chung sau đó do từng tiểu bang quy định cụ thể và quản lý.

– Phúc lợi xã hội: tạm hiểu là các phải trợ cấp mang tính miễn phí cho người dân, tức người dân được nhận mà không cần phải đóng thuế hay tham gia hệ thống bảo hiểm nào, tất nhiên các khoản trợ cấp này đa số là dành cho người nghèo. Các loại trợ cấp điển hình của hệ thống này là: Tem phiếu thực phẩm, Trợ cấp tiền năng lượng, Trợ cấp tiền nhà, Trợ cấp y tế…

Tuy nhiên, việc phân chia hai hình thức này chỉ mang tính tương đối, có một số chính sách lai tạp hai hệ thống này, ví dụ như Đạo luật Obamacare nổi tiếng một thời.  Bản thân Obamacare là nhằm mở rộng sự ảnh hưởng của một chính sách thuộc về Phúc lợi xã hội, thế nên nó mang tính trợ cấp cho những người nghèo, tuy nhiên nó cũng đánh thuế tất cả người dân, cụ thể hơn tôi sẽ nói thêm về nó ở phần sau của bài viết.

Hai hệ thống này có vai trò gì mà thấy nói suốt thế?

Trước hết, phải nói An sinh xã hội hay Phúc lợi xã hội và các chế độ của nó là một chính sách vô cùng quan trọng của nước Mỹ, khi mà theo thống kê nó chiếm một nửa ngân sách hàng năm của chính phủ.

Ví dụ, theo Báo cáo ngân sách năm 2015 của Mỹ, trong tổng cộng 3.8 nghìn tỷ USD ngân sách chính phủ thì tổng chi cho các khoản trợ cấp xã hội là 2.232 nghìn tỷ USD, cụ thể chi cho BHXH, BH Thất nghiệp là 1.246 nghìn tỷ, chi cho BHYT (Medicare) là 985.7 tỷ USD. Mức chi này là vô cùng lớn, thậm chí nếu đặt nó cạnh mục chi cho Quân sự – vốn là một khoản chi khá lớn của ngân sách – thì chi cho Quân sự đạt 599 tỷ USD cũng chỉ là một con số rất nhỏ khi so với nó.

23-social security-america-1

Tỷ trọng các khoản chi Phúc lợi và An sinh xã hội trong Mục chi bắt buộc của ngân sách chính phủ.

Ngoài ra, không giống như các khoản chi cho quân sự, khoa học kỹ thuật hay giáo dục… vốn là các khoản chi không bắt buộc và phải do Quốc hội phê duyệt cho mỗi năm tài khóa, thì hai khoản chi này là khoản chi bắt buộc và thường thì Quốc hội không can thiệp vào việc chi tiêu của nó mà chỉ quy định các tiêu chuẩn được hưởng và nếu bất kỳ ai đạt được tiêu chuẩn đó thì đương nhiên sẽ được hưởng phúc lợi tương ứng mà không cần phải chờ các nghị sĩ phê duyệt. Nói như vậy để chúng ta thấy được vai trò to lớn của hệ thống này với nước Mỹ.

Tìm hiểu về Hệ thống An sinh xã hội ở Mỹ

Chế độ An sinh xã hội ở Mỹ có phải là miễn phí cho tất cả mọi người không?

Như đã trình bày ở trên, Hệ thống An sinh xã hội không hề miễn phí với người dân, nó được đóng góp từ tiền thuế của người lao động và doanh nghiệp, về cơ bản thì có nhiều điểm giống với Việt Nam, tuy nhiên có những điểm chính là khác biệt hẳn với chúng ta.

Chế độ An sinh xã hội cụ thể như thế nào? Có những ưu đãi gì?

Ba chế độ của hệ thống này như sau:

– Bảo hiểm xã hội (Social Security) là chương trình lương hưu cho người về hưu, ngoài ra nó còn chi trả một số các khoản trợ cấp khác như: trợ cấp cho người tàn tật, trợ cấp tử tuất, trợ cấp tai nạn lao động…., về cơ bản thì không khác nhiều so với chúng ta và bao phủ được khá nhiều trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống.

– Bảo hiểm Y tế (Medicare) cho người từ 65 tuổi trở lên, dạng bảo hiểm này khác hẳn với Việt Nam và phạm vi chi trả cũng hẹp hơn khi chỉ chi trả bảo hiểm y tế cho người đã về hưu, còn BHYT ở Việt Nam chi trả cho tất cả những người tham gia bảo hiểm không phân biệt tuổi tác.

– Bảo hiểm thất nghiệp (Unemployment Benefit) cho người thất nghiệp với điều kiện nghỉ việc không phải do lỗi của người lao động, trợ cấp kéo dài trong 6 tháng, mức thuế và điều kiện nhận trợ cấp cụ thể do từng bang quy định, trung bình mức trợ cấp bằng 50% mức lương trung bình trước đó của người lao động.

23-social security-america-2

Ảnh một chiếc thẻ BHYT – Medicare dành cho người già

Nếu không miễn phí thì mức đóng như thế nào? Có bắt buộc như ở Việt nam không?

Quay lại với câu hỏi chính, hệ thống An sinh xã hội là không miễn phí mà nó được tài trợ từ chính nguồn thuế của người dân và doanh nghiệp Mỹ, vậy nó tính toán như thế nào, có cao ngất ngưởng như mức 32% ở Việt nam không?

Cơ bản bạn có thể nhìn qua bảng so sánh sau để dễ hình dung, nên nhớ mức trích dưới đây là tính trên mức lương bạn nhận được:

23-social security-america-3.1

Bảng so sánh mức thuế giữa VN và Mỹ.

Chú ý: Khác với BHXH và BHYT áp dụng ở cấp liên bang, BHTN chỉ đánh lên người sử dụng lao động và do các tiểu bang quản lý, quy định cụ thể mức đóng, mức 0.6% chỉ là mức trung bình.

Như vậy, bạn có thể dễ dàng nhận ra sự chênh lệch giữa mức đóng của Việt Nam và Mỹ khi mức đóng của VN gấp đôi ở Mỹ. Hơn nữa, trừ Bảo hiểm thất nghiệp thì phân chia tỷ lệ đóng giữa người lao động và doanh nghiệp ở Mỹ là 50/50, công bằng hơn ở Việt Nam khi doanh nghiệp phải đóng gấp đôi so với người lao động, trong phần lớn trường hợp đó là nguyên nhân là doanh nghiệp tỏ ra mình là người bị thiệt hại hơn trong mối quan hệ này. Chưa kể đến tỷ lệ đóng của VN cao ngất ngưởng, cũng vì thế mà các doanh nghiệp luôn tìm cách trốn, lách khoản này bằng cách chia tổng lương thành lương cơ bản và thưởng công việc để hạ thấp mức phải đóng vì bảo hiểm chỉ tính trên phần lương cơ bản.

Cũng phải kể đến luật về bảo hiểm của Mỹ có nêu, trường hợp người lao động tự do hoặc  là chủ doanh nghiệp thì cũng phải tự kê khai và nộp tất cả các loại bảo hiểm trên với mức tổng là 15.3% (trừ BH Thất nghiệp), tức là sẽ “đắt” hơn so với người lao động bình thường.

Mức đóng BH bắt buộc ở Việt Nam hiện nay so với các nước khác là rất cao và là gánh nặng cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh chính phủ đang siết chặt việc lách BH và xu hướng là ép doanh nghiệp nộp bảo hiểm trên tổng thu nhập của người lao động thì tương lai là rất khó khăn cho doanh nghiệp nói chung.

23-social security-america-3

Ảnh một Số An sinh xã hội (Social Security Number). Số An sinh xã hội là một số cực kỳ quan trọng với người Mỹ, tầm quan trọng của nó có lẽ giống với Chứng minh nhân dân ở VN khi nó có chức năng định danh trong rất nhiều quan hệ kinh tế, hành chính ở Mỹ. Không giống CMND có thể cho người khác biết, số An sinh xã hội luôn được khuyến cáo phải bảo mật đối mọi công dân Mỹ.

Ngoài ra, mức thu nhập tối đa để tính Bảo hiểm xã hội cũng bị giới hạn, hiện tại (năm 2018) thì mức thu nhập tối đa để tính Bảo hiểm xã hội là 128.400 USD/năm, còn đối với Bảo hiểm y tế thì không có mức tối đa, thu nhập càng nhiều sẽ phải đóng nhiều. Chưa kể nếu thu nhập của bạn đủ lớn và vượt qua ngưỡng quy định, bạn sẽ bị thu thêm 0.9% cho Obamacare, ngưỡng quy định này sẽ tùy thuộc vào tình trạng hôn nhân của bạn.

Một số bạn sẽ phân vân mức thu nhập 128.400 USD/năm có dễ đạt được không? Câu trả lời là Không hề, theo thống kê chỉ có 6% người tham gia bảo hiểm đạt mức thu nhập này, với tỷ lệ thấp như vậy có lẽ 6% này cũng chính là giới nhà giàu của nước Mỹ.

Về hình thức nộp thì không có sự khác nhau giữa hai nước, doanh nghiệp sẽ trích lại phần phải nộp của người lao động sau đó sẽ cộng với phần phải nộp của doanh nghiệp và đóng cho cơ quan thuế vụ. Nếu doanh nghiệp tìm cách trốn hoặc chây ì chậm nộp đều sẽ bị phạt nặng. Mỗi cá nhân sẽ được cấp một số An sinh xã hội (Social Security Number – SSN) để khai báo tất tật thông tin về mức thu nhập, mức thuế phải nộp và các khoản khấu trừ nếu có, cơ quan thuế vụ sẽ thông qua mã số này để quản lý và sau này khi nhận lương hưu và các khoản trợ cấp cũng qua mã số này.

Thế tuổi về hưu là bao nhiêu? Về hưu sớm có bị ảnh hưởng gì không?

Một điều thú vị về chế độ An sinh ở Mỹ mà có lẽ không nhiều người biết, đó là tuổi về hưu của họ khác hẳn chúng ta. Theo quy định của chính quyền liên bang thì một người đã tham gia bảo hiểm tối thiểu 10 năm thì được phép xin hưởng lương hưu khi đạt 62 tuổi nhưng lương hưu sẽ bị cắt bớt, còn để được hưởng đầy đủ lương hưu thì họ phải làm việc tới năm 65-67 tuổi, tùy vào năm sinh của người đó. Bảng sau đây sẽ cho bạn thấy rõ hơn:23-social security-america-4

Bảng quy định tuổi về hưu tiêu chuẩn. Nguồn: SSA

Như vậy, tuổi về hưu sớm nhất của người Mỹ là 65 tuổi và muộn nhất là 67 tuổi, lâu hơn rất nhiều so với Việt Nam chúng ta khi nam được về hưu năm 60 tuổi, còn nữ thì 55 tuổi. Có lẽ đây là động lực khiến cho những nhà lập pháp của chúng ta đang rập rình ban hành luật tăng tuổi nghỉ hưu.

Về vấn đề tính lương hưu, cũng giống như cách tính của chúng ta, nếu trước tuổi nghỉ hưu tiêu chuẩn mà người lao động vẫn quyết định về hưu thì lương hưu của họ sẽ bị trừ theo tỷ lệ phần trăm so với mức tiêu chuẩn. Cụ thể ở đây, mỗi một tháng nghỉ hưu trước tuổi bạn sẽ bị trừ 0.5%, tức nếu nghỉ hưu trước 1 năm sẽ mất 6% lương hưu. Còn ở Việt nam, cứ mỗi một năm nghỉ hưu trước tuổi bạn sẽ mất khoảng 3% so với mức lương hưu tối đa. Về cơ bản, có thể thấy quy định tuổi hưu và mức lương hưu ở VN dễ thở hơn nhiều so với Mỹ.

Lương hưu có phải nguồn thu nhập duy nhất không?

Vậy mức lương hưu của người Mỹ là bao nhiêu mỗi tháng? Chắc hắn bạn đang thắc mắc câu hỏi này. Và liệu chúng có đủ cao để người già sinh hoạt không?

Tất nhiên là rất khó, mức lương hưu tối đa một người có thể được nhận là 2.788 USD/tháng, tuy nhiên chỉ có rất ít người được nhận mức lương này, mức trung bình năm 2018 là $1,404 USD/tháng, theo thống kê mức lương này chỉ chiếm 33% tổng thu nhập của người già. Đây là điều khác biệt lớn với chúng ta khi với đa số người già, lương hưu là nguồn thu nhập chính của họ, chỉ có các gia đình khá giả thì người già mới có các nguồn thu nhập khác.

Thế người Mỹ kiếm đâu ra 77% khoản thu nhập còn lại? Câu trả lời là từ các quỹ hưu trí tồn tại trên khắp nước Mỹ, đây là nơi mà khi họ còn đi làm sẽ trích tiền từ lương để góp vào đó, các quỹ này sẽ đại diện họ để đầu tư nhằm sinh lời và thực hiện chức năng tiết kiệm hộ. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên nếu biết các Quỹ hưu trí này ở Mỹ có quy mô cực kỳ lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ USD và họ cũng chính là một trong những tổ chức mua nhiều trái phiếu chính phủ nhất.

Quỹ BHXH của Mỹ có sắp vỡ như ở Việt Nam không?

Theo thống kê, hiện tại quỹ BHXH của Mỹ đang có 173 triệu người lao động tham gia, 63 triệu người về hưu nhận trợ cấp hàng tháng. Với việc số lượng người trẻ tham gia ngày càng giảm xuống và số người hưu trí càng tăng thêm, Quỹ BHXH liên tục bị cảnh báo là sẽ sớm vỡ vào năm 2034. Do đó, việc tăng thuế là lộ trình đã được lên trước, chính phủ Mỹ cũng không loại trừ khả năng tuổi hưu sẽ có thể tăng lên. Như vậy, đây là điều khá an ủi với chúng ta khi hóa ra không chỉ ở Việt Nam mới xảy ra chuyện vỡ Quỹ BHXH. Tuy nhiên Quỹ BHXH ở Mỹ đã có lịch sử hàng trăm năm, còn lịch sử Quỹ BHXH ở Việt Nam thì tuổi đời vừa qua tuổi 50.

Về Bảo hiểm Y tế – Medicare và Obamacare

Như nội dung tôi đã nói phần đầu, nếu so sánh với Việt Nam thì Medicare là chính sách có độ phủ không lớn khi so với chính sách tương tự ở Việt Nam. BHYT ở VN cung cấp cho tất cả người tham gia không phân biệt tuổi tác, trong khi Medicare chỉ dành cho những người từ 65 tuổi trở lên.

Cụ thể hơn, quyền lợi của Medicare chia làm 2 phần là chi trả chi phí nội trú (Phần A) và chi phí ngoại trú (Phần B), cả hai phần đều không bao gồm việc chi trả tiền thuốc kê theo đơn. Người tham gia Medicare có thể căn cứ vào nhu cầu của mình để lựa chọn, hoặc chỉ cần Phần A và B nguyên thủy của Medicare, hoặc trả thêm phí bảo hiểm để mua các gói bảo hiểm của các công ty tư nhân kết hợp với Phần A, B ở trên để công ty bảo hiểm chi trả thêm các chi phí mà phần A, B không chi trả như tiền thuốc kê theo đơn, chi phí chăm sóc nha khoa, chăm sóc mắt… Cũng như Việt Nam, Medicare sẽ không chi trả hết tất các các dịch vụ khám chữa bệnh và nếu trả cũng không trả 100% chi phí mà chỉ chi trả một phần, tuy nhiên cách chi trả thì phong phú hơn ở VN.

Ở VN, nếu khám bệnh đúng tuyến thì sẽ được BHYT chi trả 80%, còn khám trái tuyến thì phần được chi trả sẽ giảm dần từ 60% (nếu trái tuyến cấp tỉnh) xuống 40% (trái tuyến cấp trung ương).

Ở Mỹ, khi chi trả chi phí khám bệnh sẽ chia ra các hình thức sau:

– Bệnh nhân và Medicare chia nhau trả theo tỷ lệ phần trăm, ví dụ 20-80.

– Bệnh nhân và Medicare cùng trả 1 số tiền bằng nhau

– Bệnh nhân trả trước một số tiền có giới hạn, Medicare trả phần còn lại, và các cách khác nữa…

So sánh hai nước với nhau, rõ ràng cách cho phép kết hợp bảo hiểm nhà nước và tư nhân với nhau ở Mỹ sẽ thuận tiện cho người mua bảo hiểm hơn là tách biệt như ở Việt Nam. Tuy nhiên, BHYT ở VN lại cho phép thanh toán tiền thuốc kê theo đơn, chi phí bệnh nhân được tài trợ sẽ nhiều hơn khi so với Mỹ, tất nhiên tạm thời tôi không đi sâu vào hạn chế ở VN như: không phải loại thuốc nào cũng được BHYT thanh toán; thuốc được BHYT thanh toán có thể là thuốc nội hoặc không có chất lượng tốt…

Trên lý thuyết, quyền lợi của bệnh nhân và độ phủ dân số của Medicare rất thấp, điều này đã thôi thúc chính quyền Mỹ cho ra đời một loại bảo hiểm y tế toàn dân mà sau này Tổng thống Obama đã thành công với Obamacare.

Thế ObamaCare là gì?

ObamaCare là một đạo luật khá là nổi tiếng mang tên của chính vị tổng thống đã ban hành nó tuy nhiên có lẽ không nhiều người hiểu rõ đạo luật này và tác động của nó. Vì đây là một đạo luật tương đối phức tạp với nhiều điều kiện, nhưng để tóm tắt thì có thể diễn tả như sau. ObamaCare là để bù đắp cho sự thiếu hụt của BHYT liên bang (Medicare) và BHYT Tiểu bang (Medicaid) khi cả hai loại này, một loại – Medicare – chỉ dành cho người từ 65 trở lên, một loại khác – Medicaid – chỉ dành cho người nghèo có thu nhập thấp, chính vì độ phủ quá thấp của chúng mà Obama có tham vọng muốn mở rộng hơn nữa, giống như chế độ BHYT toàn dân ở các nước châu Âu (cũng như VN).

Bản chất của Obamacare là chính phủ bắt buộc tất cả người dân phải mua bảo hiểm y tế, bên cạnh đó chính phủ quy định một mức chuẩn nghèo chung, những người càng gần với mức chuẩn nghèo này thì sẽ càng được trợ giá khi mua bảo hiểm, mức trợ giá sẽ giảm dần từ mức thu nhập 100% đến 400% mức chuẩn, những người có mức thu nhập vượt quá 400% so với chuẩn nghèo thì sẽ không được hưởng trợ giá gì.

Thế nếu bạn có thu nhập hơn 400% và không muốn mua Obamacare thì sao, tất nhiên là chính phủ cho phép, nhưng với điều kiện là bạn sẽ phải nộp tiền phạt theo tháng và nên nhớ là bạn phải nộp cho kể cả con của bạn, mức phạt hiện nay (2018) là 2.5% tổng thu nhập, tức là không khác gì bạn phải nộp thêm 2.5% mà không nhận được ưu đãi gì.

Như vậy bạn có thể thấy tham vọng cực kỳ lớn của Tổng thống Obama khi thông qua đạo luật này, vì tính bắt buộc của nó và chế tài phạt nếu không tham gia thì nó không còn khác biệt quá nhiều với hình thức BHYT ở các nước khác cũng như ở VN chúng ta.

Lời kết

Trong phạm vi bài viết đầu tiên này, tôi đã giới thiệu về những điểm chính của hệ thống An sinh xã hội Mỹ để bạn đọc có thể thấy sự giống và khác nhau giữa hai nước. Với cá nhân người Viết, hệ thống Bảo hiểm ở VN trên nguyên tắc là tốt, tuy nhiên thực tế triển khai thi hành thì không còn được như vậy, thủ tục hành chính phức tạp, khám bệnh bằng BHYT thì lúc nào cũng là chỉ là lựa chọn thứ yếu khi thu nhập của bạn không nhiều và còn những vấn đề khác. Trong bài sau, tôi sẽ giới thiệu về Hệ thống phúc lợi xã hội của Mỹ, đó là những khoản tài trợ dành cho người nghèo, gia đình khó khăn, thể hiện sự ưu việt của một xã hội phát triển.

Nguồn tham khảo:

1 – Government Benefits | USAGov

2 – ObamaCare là gì ? Quyền lợi của chương trình ObamaCare

3 – Average Retirement Income 2018: How Do You Compare? | NewRetirement

4 – Federal Spending: Where Does the Money Go

5 – What Is the 2018 Maximum Social Security Tax?

 

 

 

Subscribe
Notify of
guest
2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] là thời điểm ra đời của chính sách An sinh xã hội (bạn có thể đọc thêm ở bài này), mục đích ban đầu của nó là nhằm để theo dõi việc đóng góp của mỗi công […]

trackback

[…] Cùng tìm hiểu về Hệ thống Phúc lợi và An sinh xã hội ở Mỹ. Liệu chúng có mi… […]

2
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x