– Chính phủ Mỹ không trợ cấp cho các vận động viên thể thao.
– Cả xã hội cùng chung tay xây dựng hệ thống thể thao từ không chuyên đến chuyên nghiệp, còn VĐV phải tự tìm kiếm các khoản tài trợ để tập luyện và tham gia thi đấu.
– Hệ thống các giải thi đấu thể thao dù không chuyên hay chuyên nghiệp đều phong phú và đa dạng, tạo sân chơi rộng khắp cho tất cả mọi người.
Khi nhắc đến thể thao chúng ta không thể không nhắc đến cái tên của các cường quốc như Mỹ, Trung quốc, Đức, Na Uy, Nhật Bản. Trong số này, Mỹ luôn là quốc gia nổi bật với thành tích ấn tượng:
- Các vận động viên (VĐV) Hoa Kỳ đã giành được tổng cộng 2,522 huy chương (trong đó có 1,022 huy chương vàng) tại Thế vận hội Mùa hè và 305 huy chương tại Thế vận hội Mùa đông;
- Mỹ sở hữu số huy chương vàng và tổng số huy chương nhiều hơn mọi quốc gia ở Thế vận hội Mùa hè; xếp thứ hai về số lượng huy chương vàng cũng như tổng số huy chương tại Thế vận hội Mùa đông, chỉ sau Na Uy;
- Mỹ cũng đứng đầu bảng tổng sáp huy chương của 17 Thế vận hội Mùa hè và 1 Thế vận hội Mùa đông.
Trước đây đối thủ chính của Mỹ tại các kỳ thế vận hội là Liên Xô, sau khi Liên Xô tan rã thì đối thủ hiện nay của Mỹ ở Thế vận hội Mùa hè là Trung quốc và tại Thế vận hội Mùa đông là Na Uy. Thế mạnh của thể thao Mỹ là Điền kinh và Bơi lội, đây cũng là 02 bộ môn chính của Olympics.
Tuy nhiên, cơ chế tổ chức và hoạt động của thể thao Mỹ không hề giống như những quốc gia khác khi thể thao không chịu sự quản lý của chính phủ, không có Bộ thể thao chuyên trách, các VĐV ở Mỹ cũng không nhận bất kỳ khoản tiền trợ cấp nào từ chính phủ liên bang hoặc tiểu bang. Trong khi các nước khác thì luôn có một cơ quan nhà nước chuyên trách về thể thao, ví dụ như Anh có Bộ Kỹ thuật số – Văn hóa – Truyền thông và Thể thao (DCMS); Nhật Bản có Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT); Trung quốc có Tổng cục Thể thao; Việt Nam có Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch.
Vậy các vận động viên ở Mỹ trang trải chi phí tập luyện và tham gia thi đấu như thế nào. Bài viết này sẽ mô tả sơ lược những điểm chính của nền thể thao Mỹ.
Hệ thống thể thao Mỹ
Không giống các quốc gia có truyền thống “nuôi gà nòi” như Trung quốc hay Việt Nam, ở các nước này, chính phủ dành riêng một phần ngân sách tài trợ cho những VĐV chọn lọc và tiến hành đào tạo họ để phục vụ mục đích thi đấu chuyên nghiệp.
Ở Mỹ thì hoàn toàn khác, khi nhắc đến thể thao chúng ta không chỉ nhắc đến những vận động viên (VĐV) đỉnh cao, thi đấu chuyên nghiệp ở các giải quốc gia, châu lục và quốc tế, mà còn phải nhắc đến lực lượng VĐV dự bị, VĐV không chuyên với số lượng khổng lồ từ khắp nơi trên nước Mỹ. Thể thao không chuyên đóng một vai trò quan trọng để tìm kiếm nguồn bổ sung cho thể thao chuyên nghiệp, giữa hai khái niệm này tồn tại một mối liên hệ mật thiết và hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, khi tìm hiểu về thể thao Mỹ, chúng ta sẽ chia làm hai khái niệm: Thể thao chuyên nghiệp và Thể thao không chuyên.
Thể thao chuyên nghiệp
Một trận đấu bóng bầu dục chuyên nghiệp ở Mỹ. Bóng bầu dục là môn thể thao không nằm trong chương trình thi đấu Olympic nhưng lại là môn thể thao cực kỳ nổi tiếng ở Mỹ và đem lại nguồn thu nhập khổng lồ cho các vận động viên.
Chính phủ Mỹ không có cơ quan trực thuộc để quản lý về lĩnh vực thể thao mà thay vào đó là Ủy ban Olympics quốc gia (USOC). Đây là một tổ chức dân sự phi lợi nhuận được giám sát bởi Ủy ban Olympics quốc tế, USOC được pháp luật thừa nhận thông qua Đạo luật Thể thao không chuyên và Olympics, nhờ đó USOC được công nhận là tổ chức đại diện nước Mỹ trong các hoạt động liên quan tới Olympics cũng như là cơ quan quản lý với các liên đoàn thể thao thành viên.
Do USOC không nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào từ chính phủ vì thế ngân sách chính của nó đến từ sự đóng góp của xã hội, trong đó các nguồn thu chính là tiền bản quyền, các khoản tài trợ và tiền quyên góp. Từ nguồn ngân sách chung này, USOC sau khi trừ đi chi phí hoạt động cần thiết sẽ căn cứ theo thành tích của các bộ môn để tái phân phối lại cho các liên đoàn thành viên, các bộ môn càng có thành tích cao đương nhiên được phân bổ càng nhiều ngân sách. Điều này lý giải tại sao 2 liên đoàn Liên đoàn điền kinh và Liên đoàn bơi lội chiếm phần lớn ngân sách của USOC khi đây là 2 bộ môn thế mạnh của thể thao Mỹ. Đương nhiên các liên đoàn thành viên cũng có quyền tương tự khi họ khai thác tiền bản quyền của môn thể thao họ quản lý cũng như kêu gọi tài trợ từ các nhãn hàng và tiền quyên góp từ những người ủng hộ. Đối với các VĐV chuyên nghiệp có thành tích cao họ còn có thể có hợp đồng tài trợ hoặc tham gia quảng cáo trực tiếp cho doanh nghiệp. Với nguồn tài chính tự huy động được, các liên đoàn tổ chức các giải đấu quốc gia cho các VĐV chuyên nghiệp cũng như tài trợ cho họ tham gia các giải đấu quốc tế.
Đối với những môn không nằm trong nội dung thi đấu Olympics thì Liên đoàn của những môn thể thao này tồn tại độc lập và không thuộc sự quản lý của USOC, trong số này có 2 liên đoàn nổi tiếng thế giới là: Liên đoàn bóng bầu dục với giải Bóng bầu dục quốc gia NFL, Liên đoàn bóng chày với giải Bóng chày nhà nghề Mỹ MLB. Tuy nhiên cách tổ chức và hoạt động của các liên đoàn này cũng không quá khác biệt với các liên đoàn khác khi nguồn tài chính của chúng đều đến từ nguồn xã hội hóa.
Thể thao không chuyên (hoặc Thể thao học đường)
Một trận đấu bóng chày giữa hai trường trong khuôn khổ thi đấu của Hiệp hội thể thao đại học, cao đẳng quốc gia Mỹ – NCAA
Về mặt danh nghĩa các Liên đoàn thể thao cũng quản lý cả các hoạt động thể thao không chuyên tuy nhiên vai trò của chúng khá hạn chế với các VĐV. Đặc thù của thể thao không chuyên là các VĐV tham gia thể thao theo sở thích, họ chưa có thu nhập đủ để trang trải cho hoạt động tập luyện và thi đấu của chính họ, chưa kể đến đa số các VĐV không chuyên còn trong độ tuổi sinh viên, do đó không thể tập luyện toàn thời gian. Vậy các VĐV không chuyên lấy kinh phí ở đâu tiếp tục theo đuổi đam mê của họ?
Để giải quyết vấn đề tài chính, các VĐV đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học có thể tìm kiếm các tài trợ từ các nguồn sau:
– Học bổng thể thao cho các VĐV có thành tích xuất sắc: nếu VĐV là người có thành tích nổi bật thì họ có thể tìm kiếm học bổng dạng này của các trường cao đẳng, đại học, nhất là cho 2 môn thể thao phổ biến là bóng chày và bóng bầu dục. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh học bổng dạng này cực kỳ khó khăn và không phải một VĐV bình thường có thể đạt được.
– Trợ cấp liên bang: khoản trợ cấp này không phải dành riêng cho thể thao mà chỉ là tiền trợ cấp chung, tuy nhiên các VĐV vẫn có thể tìm kiếm nguồn tiền từ đây để tài trợ chi phí tập luyện cho chính mình.
– Trợ cấp của trường cao đẳng, đại học: tương tự như trợ cấp liên bang, tiền trợ cấp này dành cho những sinh viên có thành tích học tập hoặc hoạt động ngoại khóa xuất sắc, các VĐV có thể liên hệ với các trường mình theo học để tìm hiểu về điều kiện hưởng nhằm tạo thêm thu nhập.
– Tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp: không khắt khe như học bổng thể thao của các trường cao đẳng, đại học, tiền tài trợ này rất đa dạng, đến từ nhiều nguồn, từ các tổ chức thể thao đến các doanh nghiệp có liên quan, tạo cơ hội lớn cho các VĐV không chuyên trong nỗ lực theo đuổi đam mê của họ.
Với những nguồn tài trợ này, một VĐV không chuyên có thể tự tài trợ cho quá trình tập luyện, thi đấu của họ. Nhờ nguồn tài trợ đa dạng và phong phú, hệ thống thể thao học đường ở Mỹ cực kỳ phát triển, cung cấp một số lượng lớn các VĐV trẻ cho các câu lạc bộ, họ tham gia các giải đấu không chuyên trên khắp nước Mỹ được tổ chức bởi các hiệp hội thể thao hoặc các liên đoàn.
Hệ thống các hiệp hội, hội thao thể thao ở Mỹ là cực kỳ đa dạng, tổ chức thi đấu cho rất nhiều môn, trái ngược các nước khác. Ví dụ như Việt Nam, các hội thao là cực kỳ hiếm hoi và đều do nhà nước tài trợ, có thể kể tên như Hội khỏe Phù Đổng, Ngày hội thể thao sinh viên toàn quốc…, với số lượng ít ỏi và không thường xuyên như thế thì không thể tạo ra sân chơi cho các VĐV không chuyên, vì vậy mà phong trào thể thao không chuyên hay thể thao học đường ở Việt Nam là cực kỳ kém phát triển, dẫn đến nguồn bổ sung cho các đội tuyển quốc gia cũng rất hạn chế. Trong khi đó, thể thao đỉnh cao ở Mỹ liên tục có thể tuyển chọn VĐV từ các đại hội thể thao không chuyên và tự đào tạo lớp kế cận, chính vì vậy mà thể thao Mỹ luôn duy trì được vị thế số 1 của họ trên trường quốc tế.
Thành tích
Thể thao Mỹ là một cường quốc trên thế giới khi họ bá chủ ở Olympics Mùa hè, chỉ kém Na Uy ở Olympics Mùa đông, trong khi chính quyền liên bang không hề chi cho bất kỳ hoạt động thể thao nào. Nhìn lại các quốc gia khác có Bộ chuyên trách về thể thao, ngân sách tiêu rất nhiều tiền thuế để tạo ra các môn thể thao mũi nhọn nhằm tranh giành huy chương Olympics nhưng chưa có quốc gia nào có thể vượt qua Mỹ. Theo thống kê của Học viện Thể thao Úc, nước này đã tiêu tốn của ngân sách trung bình 37 triệu đô la Úc cho mỗi chiếc Huy chương Vàng, 8 triệu đô la Úc cho các huy chương khác ở Olympics London 2012.
Một vận động viên giơ cao tấm Huy chương vàng đạt được ở Olympics London 2012
Có nhiều tranh luận về lợi ích khi ngân sách tài trợ cho thể thao đỉnh cao, ví dụ như tạo điều kiện cho các VĐV cống hiến cho đất nước, thúc đẩy các môn thể thao thế mạnh hoặc tăng vị thế quốc gia khi một VĐV đạt được huy chương vàng… Tuy nhiên đa số các lập luận này chỉ mang tính ngắn hạn, kém bền vững khi thể thao được duy trì dựa trên ý chí của chính quyền, không tạo ra được sân chơi rộng rãi cho tất cả mọi người, ngoài ra còn giới hạn nguồn lực xã hội khiến cho thể thao trở thành độc quyền của nhà nước.
Với những gì đang xảy ra ở Mỹ, chúng ta có thể thấy mô hình của họ đáng cân nhắc cho các quốc gia khác trong nỗ lực cải tổ lại thể thao quốc gia.
[…] năm đều là học sinh, sinh viên, hoặc mới thi đấu tự do 2-3 năm, đó là vì thể thao học đường ở Mỹ cực kỳ mạnh, giúp đào tạo một nguồn vận động viên vô tận cho thể thao chuyên nghiệp. […]